Nhiều quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024, liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức… như tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định về xét tặng các danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”... Mọi thông tin chi tiết về bài viết, mời bạn đọc và quý khách hàng xem trực tiếp bên dưới ảnh hoặc theo dõi tại Website, Zalo chính thức của Luật Nhật Lý.
QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2025: NHỮNG ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý
Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2025, Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hướng đến việc đảm bảo công bằng, minh bạch và nâng cao chất lượng tuyển sinh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức xét tuyển của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh, những điểm đáng chú ý được quy định bao gồm:
Bỏ xét tuyển sớm, xét tuyển học bạ phải dựa trên kết quả cả năm lớp 12 - Từ năm 2025, xét tuyển sớm sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, tất cả phương thức xét tuyển phải theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Các trường khi xét tuyển bằng học bạ bắt buộc dùng điểm trung bình cả năm lớp 12, và phần điểm này phải chiếm ít nhất 25% trong tổng điểm xét tuyển.
Công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển - Thí sinh không cần chọn mã phương thức hay mã tổ hợp xét tuyển. Hệ thống của Bộ sẽ tự động lựa chọn phương thức xét tuyển có kết quả cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, các trường bắt buộc công khai quy tắc quy đổi điểm giữa các phương thức, bảo đảm sự minh bạch và công bằng khi xét tuyển bằng nhiều hình thức khác nhau.
Không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển - Các ngành, chương trình đào tạo không còn bị giới hạn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển như trước. Tuy nhiên, mỗi tổ hợp vẫn phải gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó Toán hoặc Ngữ văn bắt buộc chiếm tối thiểu 25% trọng số điểm.Từ năm 2026, các môn chung giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số, nhằm đảm bảo đánh giá năng lực học sinh một cách đồng đều.
Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển - Các trường vẫn có thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn thi trong tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, phần điểm quy đổi này không được vượt quá 50% trọng số môn Ngoại ngữ, nhằm giảm chênh lệch giữa học sinh ở các vùng miền khác nhau.
Giới hạn điểm cộng khuyến khích để đảm bảo công bằng - Bên cạnh chứng chỉ ngoại ngữ, việc cộng điểm khuyến khích từ các thành tích khác cũng gây tranh cãi. Để đảm bảo công bằng, từ năm 2025, tổng điểm cộng (bao gồm điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích) không vượt quá 10% thang điểm xét tuyển.
VD: Với thang điểm 30, điểm cộng tối đa là 3 điểm. Các trường vẫn có thể áp dụng điểm cộng để xem xét đặc thù của chương trình đào tạo, nhưng không được vượt quá giới hạn này.
ÁP DỤNG NỘI QUY VÀ QUY CHẾ TUYỂN DỤNG, NÂNG NGẠCH, XÉT THĂNG HẠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC MỚI
Thông tư 01/2025/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2025. Theo đó, việc tổ chức tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 001/2025/TT-BNV. Thông tư này chính thức thay thế Thông tư 06/2020/TT-BNV – văn bản từng quy định nội dung liên quan đến thi tuyển, xét tuyển và các kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Đáng chú ý, những cơ quan, đơn vị đã được phê duyệt kế hoạch hoặc đề án tuyển dụng, xét tuyển, nâng ngạch, thăng hạng trước thời điểm Thông tư 001 có hiệu lực vẫn được phép tiếp tục áp dụng theo quy định cũ trong thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tháng. Sau thời hạn này, nếu chưa hoàn tất, các nội dung còn lại buộc phải triển khai theo Thông tư mới.
ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN MỚI VỚI CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH
Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, đưa ra khung tiêu chuẩn thống nhất về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và điều kiện bổ nhiệm cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy hành chính.
Tiêu chuẩn chung đối với công chức lãnh đạo - Theo Nghị định, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về: lập trường chính trị tư tưởng vững vàng; đạo đức, lối sống trong sáng; có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt; đạt trình độ chuyên môn, lý luận và kỹ năng quản lý phù hợp với vị trí đảm nhiệm; có uy tín, kinh nghiệm và đảm bảo sức khỏe, độ tuổi theo quy định.
Yêu cầu về trình độ lý luận chính trị - Tùy vào từng cấp chức danh, trình độ lý luận chính trị có yêu cầu khác nhau.
• Đối với chức vụ cấp Thứ trưởng, Vụ trưởng và tương đương: Phải có bằng cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương.
• Với các chức danh từ cấp Trưởng, Phó phòng thuộc bộ, tổng cục, sở, huyện: Phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc giấy xác nhận tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chứng chỉ quản lý nhà nước là tiêu chuẩn bắt buộc - Nghị định cũng quy định công chức lãnh đạo, quản lý phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước phù hợp với ngạch công chức đang giữ. Đây là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm năng lực quản lý, điều hành trong khu vực công.
Điều kiện bổ nhiệm trong một số trường hợp đặc thù - Nghị định có quy định linh hoạt đối với các trường hợp bổ nhiệm đặc thù. Cụ thể:
• Nhân sự từ bên ngoài (không công tác tại cơ quan dự kiến bổ nhiệm) không bắt buộc đã kinh qua chức danh tương đương ở cấp dưới.
• Trường hợp kiêm nhiệm hoặc luân chuyển giữ chức danh tương đương cũng không yêu cầu đầy đủ mọi tiêu chuẩn của chức vụ mới.
• Với cán bộ từ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập... được điều động về cơ quan hành chính thì có thể hoàn thiện tiêu chuẩn quản lý nhà nước trong vòng 12 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm.
HÀNG LOẠT QUY ĐỊNH VỀ XÉT TẶNG CÁC DANH HIỆU CÓ HIỆU LỰC
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2024/NĐ-CP và Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết việc xét tặng các danh hiệu và giải thưởng cấp nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và văn học, nghệ thuật. Cả hai Nghị định đều có hiệu lực trong tháng 5/2024, đánh dấu bước tiến mới trong công tác ghi nhận, tôn vinh các cá nhân có đóng góp xuất sắc.
Đổi mới trong quy trình xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"
Có hiệu lực từ ngày 25/5/2024, Nghị định 35/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 27/2015/NĐ-CP với nhiều điểm mới đáng chú ý. Một trong những thay đổi nổi bật là việc xây dựng tiêu chuẩn xét tặng theo 7 nhóm đối tượng, thay vì chia theo từng loại hình đơn lẻ. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và tương thích giữa các cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng.
Bên cạnh đó, quy trình xét tặng cũng được rút gọn từ 4 cấp hội đồng xuống còn 3 cấp gồm: cấp cơ sở, cấp Bộ/ban/ngành/tỉnh hoặc đại học quốc gia, và cấp Nhà nước. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, định lượng hóa tiêu chí xét tặng sẽ góp phần minh bạch hóa và nâng cao chất lượng đánh giá.
Nguyên tắc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật
Nghị định 36/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20/5/2024, quy định chi tiết việc xét tặng hai giải thưởng cao quý là “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nghị định gồm 5 chương và 19 điều, quy định rõ về nguyên tắc xét tặng, trình tự, hồ sơ và quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Một trong những nguyên tắc quan trọng là mỗi tác phẩm hoặc cụm tác phẩm chỉ được đề nghị xét tặng trong một chuyên ngành văn học, nghệ thuật duy nhất. Ngoài ra, nếu tác phẩm đã được trao “Giải thưởng Nhà nước”, thì không được kết hợp với tác phẩm khác để đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Quy định này đảm bảo tính chính xác, minh bạch và công bằng trong xét thưởng.
THÔNG TƯ MỚI VỀ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH LĨNH VỰC VIỆC LÀM
Thông tư 04/2025/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2025.
Trong đó quy định mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm.
HƯỚNG DẪN VỊ TRÍ VIỆC LÀM VỀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ
Thông tư 02/2025/TT-BTP hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/5/2025.