Hoạt động tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư đang dần thể hiện vai trò nhất định trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của hoạt động tư vấn pháp lý.
Đối với doanh nghiệp, công tác hỗ trợ về pháp lý sẽ mang tính ổn định lâu dài và xuyên suốt thời gian hoạt động. Cụ thể, luật sư sẽ cung cấp thông tin pháp luật, giải thích pháp luật và định hướng hành vi của doanh nghiệp trên cơ sở các quy định pháp luật. Hơn nữa, luật sư sẽ có cái nhìn khách quan, thấu đáo hơn cho những vấn đề của doanh nghiệp. Họ sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận được sự khác biệt từ các hành vi của tổ chức so với quy định của pháp luật và đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp.
Trên thực tế, luật sư sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp thông qua tư vấn thường xuyên hoặc theo từng vụ việc cụ thể. Nhưng để đảm bảo cho quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp nên tìm đến một đơn vị luật sư đảm nhận vai trò tư vấn pháp lý từ khi mới thành lập. Khi đó, luật sư sẽ tư vấn các chủ doanh nghiệp lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với năng lực và tài chính. Tiếp theo đó, luật sư sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các công việc cần thiết sau khi thành lập như thông báo mẫu con dấu, mở tài khoản ngân hàng, kê khai lệ phí môn bài, đăng ký thuế lần đầu..vv
Sau đó, xuyên suốt quá trình hoạt động, luật sư sẽ đảm nhận vai trò tư vấn cho các chủ doanh nghiệp về quản trị và điều hành doanh nghiệp. Khi ký kết hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp sẽ cần sự hỗ trợ của luật sư trong việc xem xét tính hợp pháp của hợp đồng cũng như xem xét những điều khoản có thật sự phù hợp và mang tính thực thi cao hay không. Điều này nhằm hạn chế tối đa “lỗ hỏng” trong hợp đồng làm dẫn đến những rủi ro về pháp lý có thể xảy ra. Đối với công tác quản lý nội bộ, luật sư sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động về những vấn đề có liên quan đến ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động. Sự am hiểu về kiến thức pháp luật của luật sư sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động được áp dụng đầy đủ những quyền lợi của mình và giảm thiểu những tranh chấp không mong muốn. Ngoài ra, luật sư sẽ là đơn vị đại diện cho doanh nghiệp để làm việc cùng với các cơ quan nhà nước để thực hiện nghĩa vụ cũng như khi có tranh chấp xảy ra tại Tòa án. Công tác hỗ trợ này giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu được thời gian, công sức nhưng vẫn đảm bảo cho vấn đề của công ty được giải quyết hợp lý nhất.
Như vậy, với sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, luật sư sẽ trở thành một công sự đồng hành xuyên suốt quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Điều này được hình thành từ nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp về công tác hỗ trợ pháp lý cũng như những khó khăn, trở lại nếu doanh nghiệp không am hiểu pháp luật. Có thể nói, sự phát triển của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo khi nó hoạt động tuân theo hành lang pháp lý./.