Trong quá trình cải cách tư pháp, ngày 16/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bộ Luật mới này đã quy định đầy đủ các tiêu chuẩn về Hòa Giải viên cũng như trình tự, thủ tục, thẩm quyền lựa chọn, bổ nhiệm. Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án được thông qua nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn tốt và kinh nghiệm trong xã hội để tham gia phối hợp cùng Tòa án tiền hành hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.
NHỮNG NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN NĂM 2020
Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án chỉ được áp dụng trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; Việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; Vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cụ thể văn bản luật khác đã quy định về việc hòa giải, đối thoại thì phải áp dụng hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật chuyên ngành không thể áp dụng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để làm căn cứ giải quyết.
Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Luật Hòa giải đối thoại năm 2020:
1. Nguyên tắc hòa giải đối thoại:
Theo quy định tại Điều 3 Luật hòa giải, đối thoại năm 2020 thì khi tham gia đối thoại tại Tòa án chủ thể của Luật phải tuân thủ 9 nguyên tắc cơ bản.
- Một là, nguyên tắc tự nguyện;
- Hai là, tôn trọng sự thỏa thuận, ý chí của các bên;
- Ba là, bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Bốn là, nội dung hòa giải, thống nhất thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không trốn tránh nghĩa vụ;
- Năm là, đảm bảo giữ bí mật về thông tin buổi hòa giải;
- Sáu là, phương pháp hòa giải linh hoạt;
- Bảy là, hòa giải viên tiến hành hoạt động hòa giải một cách độc lập, tuân thủ pháp luật;
- Tám là, ngôn ngữ được sử dụng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt;
- Chín là, bảo đảm bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em.
2. Các bên trong hòa giải, đối thoại tại tòa án được lựa chọn và thay đổi hòa giải viên:
Việc tự do lựa chọn hòa giải viên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án là rất quan trọng và cần thiết. Khi tranh chấp xảy ra thì việc cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình hòa giải nếu được lựa chọn hòa giải viên thì sẽ đảm bảo lòng tin của họ, góp phần thành công vào việc hòa giải, đối thoại.
Bên cạnh việc lựa chọn hòa giải viên thì cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại cũng có quyền yêu cầu thay đổi hòa giải viên nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên không vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc.
Từ việc được lựa chọn và thay đổi hòa giải viên theo nguyện vọng của các bên tham gia vào hoạt động hòa giải nên khi thỏa thuận, đàm phán thành công thì việc các bên thực hiện nội dung đã thỏa thuận và đàm phán là rất cao.
3. Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Như đã trình bày ở phần 2, bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một nguyên tắc quan trọng cần được tuân thủ khi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa. Nguyên tắc bảo mật được thể hiện như sau:
Thứ nhất, hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Thứ hai, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.
4. Kinh phí, chi phí phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Kinh phí, chi phí để hòa giải, đối thoại tại Tòa được quy định như thế nào là điều mà các Bên đang phát sinh mâu thuẫn rất quan tâm, để giải đáp cho các Bên Luật hòa giải đối thoại tại Tòa đã quy định tại Điều 6, 9 về kinh phí, chi phí phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại như sau:
- Thứ nhất, nhà nước bảo đảm kinh phí, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Thứ hai, kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao.
- Thứ ba, hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ do các Bên phát sinh mâu thuẫn chi trả trong những trường hợp sau:
+ Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;
+ Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;
+ Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.
- Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.; Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án .
5. Điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên
Theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trở thành hòa giải viên cá nhân phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Điều kiện hàng đầu cá nhân đó phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật;
- Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.
Như vậy, khi thỏa mãn những điều kiện trên thì cá nhân mới có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
Bên cạnh những điều kiện được luật quy định có thể trở thành hòa giải viên, thì luật cũng quy định những trường hợp cá nhân không được bổ nhiệm làm hòa giải viên, cụ thể:
- Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.
6. Điều kiện miễn nhiệm hòa giải viên
Bên cạnh việc bổ nhiệm hòa giải viên thì luật cũng quy định những trường hợp sau đây hòa giải viên sẽ được miễn nhiệm:
- Một là, theo nguyện vọng của Hòa giải viên;
- Hai là, hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều Điều 10 của Luật Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
7. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Không phải bất kỳ vụ việc nào cũng được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong một số trường hợp cụ thể Tòa án sẽ không tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại.
- Một là, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước;
- Hai là, những giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
- Ba là, các bên từ chối tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà không có lý do chính đáng;
- Bốn là, người vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự trong vụ án ly hôn;
- Năm là, khi có một bên yêu cầu không tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại;
- Sáu là, khi một bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của luật.
Từ những trường hợp mà được luật quy định cụ thể ở trên sẽ đảm bảo cho tiến trình hòa giải được diễn ra phù hợp với nguyện vọng của các bên tranh chấp, loại bỏ các yêu câu hay những hành vi vi phạm nguyên tắc hòa giải, đối thoại.
8. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Việc tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án Luật cũng quy định thời gian cụ thể như sau:
-Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định;
- Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
- Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.
9. Hiệu lực của quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
Sau khi tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì tổ chức, cá nhân tham gia hòa giải đối thoại quan tâm hàng đầu đó chính là hiệu lực của quyết định hòa giải, đối thoại.
Theo quy định của của Luật hòa giải, đối thoại thì quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trong trường hợp có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành thì Thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó và làm thủ tục chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.