Bài Viết

Luận bàn về việc đại diện theo ủy quyền của "Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi".

Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định trong khoản 3 Điều 138: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

có thể là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự?

Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự phát sinh trên nền tảng quan hệ pháp luật dân sự nên cả hai có mối liên hệ tương quan trong chừng mực nhất định với nhau. Nhưng không vì thế mà có thể đánh đồng bản chất, đối tượng điều chỉnh của hai chế định này. Đặc biệt là đối với quy định về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”. Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định trong khoản 3 Điều 138: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”. Dựa trên quy định của cả hai Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, đồng nghĩa người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Điều này có thực sự mang tính hợp lý và thuyết phục?

Bởi vì, lĩnh vực tố tụng dân sự là một lĩnh vực đặc thù bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh giữa Toà án, Viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng trong quá trình Toà án giải quyết án dân sự và thi hành án dân sự. Người đại diện của đương sự theo ủy quyền sẽ thay đương sự tham gia tố tụng dân sự với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong nội dung văn bản ủy quyền. Vậy, nếu như một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có thể sẽ không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như thực hiện nghĩa vụ tố tụng dân sự một cách thuận lợi và đầy đủ nhất. Ngoài ra, bản thân người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng cần phải có một nền tảng kiến thức về pháp luật, kỹ năng sống nhất định thì mới đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà mình đại diện.

Theo ý kiến người viết đề xuất bổ sung quy định về điền kiện trở thành người đại diện cụ thể là độ tuổi người đại diện, tối thiểu là từ đủ mười tám tuổi. Một mặt để phù hợp với thực tiễn áp dụng, mặt khác tránh được sự chồng chéo, bất cập từ hai ngành luật dân sự và tố tụng dân sự.

Như Quỳnh