Bài Viết

BÌNH LUẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THÀNH VỤ ÁN “TRANH CHẤP LỐI ĐI”.

Hiện nay, Tòa án đã khuyến khích các bên khi có tranh chấp nên lựa chọn phương án giải quyết phù hợp đối với từng tình hình cụ thể, một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thì hòa giải được xem là phương thức mang lại nhiều ưu thế cho các bên.

      Trong thực tế hiện nay, các vụ tranh chấp về lối đi chung xảy ra ngày càng nhiều. Đặc biệt, các chủ thể tranh chấp đều là những người thân quen hay thậm chí là ruột thịt với nhau. Điều này đã tạo nên một thực trạng đáng buồn và những khó khăn nhất định cho các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp.

      Vụ việc mà công ty chúng tôi đã tiếp nhận cũng xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ của những người trong gia đình (dòng họ). Cụ thể, đây là vụ tranh chấp giữa những người con cháu trong dòng họ về lối đi chung vào phần thổ mộ trên diện tích đất mà ông bà để lại. Thực tế cho thấy, mục đích của vụ tranh chấp không nhằm đáp ứng về những thiệt hại vật chất hay tiền bạc. Nói một cách trung thực hơn, tranh chấp xuất phát từ sự ghen ghét cá nhân của các bên tranh chấp, hay còn gọi là mâu thuẫn trong nội bộ gia đình (dòng họ) mà chắc hẳn trong thực tế đời sống diễn ra rất nhiều. Vì thế, chúng tôi mong muốn tranh chấp này được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Bởi lẽ, UBND cấp xã là cơ quan hiểu được rõ nhất nội tình của vụ việc. Rằng mâu thuẫn đó thật sự bắt nguồn từ đâu, cũng như mong muốn cụ thể của các bên tranh chấp là như thế nào. Ngoài ra, khi mâu thuẫn được giải quyết bằng hòa giải tại địa phương cũng góp phần nâng cao vai trò của các hòa giải viên tại cơ sở. Thiết nghĩ, tranh chấp này không cần thiết phải giải quyết tại Tòa án, nhưng có lẽ thẩm quyền ở cơ quan địa phương không thể hòa giải thỏa đáng cho yêu cầu của các bên tranh chấp.

      Là đại diện theo ủy quyền cho một trong các bên tranh chấp, chúng tôi nhìn nhận được phương án nào đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các bên và hướng giải quyết thỏa đáng trong vụ việc này. Thỏa thuận hòa giải được xem là phương án nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho các bên tranh chấp. Như chúng ta đã biết, việc thờ cúng ông bà tổ tiên là thói quen, là truyền thống trong mỗi gia đình, dòng họ. Khi chủ thể của một bên tranh chấp bị hạn chế quyền sử dụng lối đi chung nhằm ngăn cản việc thực hiện nghĩa vụ thờ cúng ông bà, tổ tiên. Từ đó, dẫn đến làm họ bức xúc, phản ánh là điều vô cùng dễ hiểu và đáng được cảm thông. Vì vậy, nếu tranh chấp được giải quyết tại Tòa án và căn cứ theo đúng quy định pháp luật để áp dụng, thì liệu rằng, hướng giải quyết đó có thật sự thỏa đáng cho các bên tranh chấp và phù hợp với thực tế cuộc sống. Trong vụ việc này, đứng ở góc độ là người đại diện của một bên tranh chấp, chúng tôi không muốn phân định rõ ai đúng ai sai cũng không muốn các bên phải đem sự việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp. Vì thực tế cho thấy, việc tháo gỡ mâu thuẫn cho các bên tranh chấp và cùng đưa ra hướng giải quyết mới là điều cần thiết nhất. Từ đó, giúp họ nhìn nhận được một thực tế mà lâu nay các bên tranh chấp đã lãng quên vì mâu thuẫn, vì quyền lợi cá nhân. Một thực tế đáng buồn khi các bên đang tranh chấp trên chính mảnh đất mà ông bà để lại. Thiết nghĩ đó là điều không phù hợp với truyền thống gia đình, xã hội. Việc mà các bên cần làm không phải là tranh giành, chiếm đoạt mà hãy cùng nhau giữ gìn để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng. Đây là kết quả mà chúng tôi thật sự mong muốn khi tiếp nhận vụ việc này.

      Một kết quả đáng mừng khi các bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại phiên họp hòa giải. Theo đó, một bên tranh chấp chấp nhận tách thửa diện tích đất và dành lối đi vào thổ mộ cho bên còn lại. Bên cạnh đó, bên nhận diện tích đất tách thửa sẽ hoàn trả một khoản tiền để đảm bảo khắc phục hậu quả cho những thiệt hại thực tế của bên tách thửa diện tích đất. Đây có thể nói là kết quả hòa giải thành vừa thuận tình vừa thuận lí. Sau tranh chấp này, mâu thuẫn của các bên không đảm bảo sẽ được tháo gỡ hoàn toàn. Nhưng đây được xem là bước mở đầu tốt đẹp hơn cho các bên tranh chấp. Bởi lẽ, họ đều là những người thân thích trong dòng họ. Việc có được mối quan hệ tốt đẹp cũng là điều cần thiết trong thực tế.

       Kết quả này không những đảm bảo được quyền lợi cho các bên tranh chấp mà đó còn là mong muốn thật sự của chúng tôi khi tiếp nhận và giải quyết mâu thuẫn này. Để lý giải cho nguyên nhân vì sao đó là mong muốn dù kết quả hòa giải không đảm bảo được tốt nhất quyền lợi cho thân chủ của mình. Thực tế, không chỉ riêng ở vụ việc này, mà ở tất cả các vụ việc khác khi công ty tiếp nhận. Chúng tôi đều thụ lý giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, đúng quy định của pháp luật và nhìn nhận sự việc, mâu thuẫn đó ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau trong cuộc sống. Việc thực hiện này nhằm mục đích đưa sự việc đó được trở về đúng bản chất vốn có để phù hợp với những đạo đức xã hội và thực tế cuộc sống, vừa đảm bảo theo đúng những quy định của pháp luật. Sao cho các bên tháo gỡ được những mâu thuẫn và có cái nhìn khác đi khi tranh chấp xảy ra. Đây có thể xem là phương châm làm việc của công ty chúng tôi.

      Ngoài ra, còn một ý nghĩa sâu sắc hơn mà công ty chúng tôi mong muốn mang lại sau mỗi phiên họp hòa giải thành. Chúng tôi mong muốn khách hàng nhìn nhận được những ưu điểm mà phương thức hòa giải mang lại. Từ đó, ở từng vụ việc cụ thể, từng giai đoạn nhất định, khi các bên xảy ra tranh chấp nếu có thể thoả thuận thì hãy cân nhắc và đưa ra một phương án có thể đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các bên. Tránh trường hợp, các bên khi có mâu thuẫn đều lựa chọn Tòa án để giải quyết. Hiện nay, Tòa án đã khuyến khích các bên khi có mâu thuẫn, tranh chấp nên lựa chọn phương án giải quyết phù hợp đối với từng tình hình cụ thể, một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thì hòa giải được xem là phương thức mang lại nhiều ưu thế cho các bên. Riêng với Nhật Lý, ở mỗi vụ việc khi công ty tiếp nhận, chúng tôi đều đánh giá mâu thuẫn, tranh chấp đó đang ở mức độ nào, có thể thỏa thuận hay không để đưa ra lời khuyên tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng mà đôi khi không cần phải giải quyết tại Tòa án./

Bích Trân